CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG NÂNG CAO TRÌNH ĐỘ, KỸ NĂNG NGHIỆP VỤ CHO ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN CỦA TRƯỜNG CHÍNH TRỊ NGUYỄN VĂN CỪ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU TRƯỜNG CHÍNH TRỊ CHUẨN MỨC 1
01/01/25 07:28
  1. Những thuận lợi và khó khăn trong công tác đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên của Trường

      Giảng viên Trường Chính trị là một bộ phận quan trọng, trực tiếp truyền đạt những kiến thức khoa học có hệ thống của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, các kỹ năng công tác Đảng, Mặt trận, đoàn thể nhân dân đến cán bộ cấp cơ sở. Sự đóng góp trí tuệ của đội ngũ này trong việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học, tham gia vào các tổ chức, các diễn đàn của khoa học góp phần quan trọng xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển. Thiết thực nhất, cụ thể nhất là việc đào tạo, cán bộ công chức cấp cơ sở; cán bộ, công chức lãnh đạo cấp phòng thuộc huyện hoặc sở, ngành. Sản phẩm đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường là cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý. Đứng trước yêu cầu của tình hình mới, nhất là đáp ứng tiêu chí Trường Chính trị chuẩn, việc đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ là việc làm cấp bách hiện nay cũng như lâu dài.

      Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ là đơn vị có bề dày truyền thống hơn 65 năm xây dựng và phát triển. Trường đã có những đóng góp quan trong trong công tác đào tạo, bồi dưỡng các thế hệ cán bộ cho tỉnh Bắc Ninh. Để hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang đó, trong mỗi giai đoạn phát triển trường đã khắc phục những khó khăn, xây dựng đội ngũ giảng viên đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Trong tình hình mới, trước yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ cho tỉnh, Lãnh đạo Trường đã xác định: Xây dựng đội ngũ mà nòng cốt là đội ngũ giảng viên có tầm quan trọng đặc biệt. Để nâng cao chất lượng toàn diện đội ngũ giảng viên, sau khi nhận tuyển dụng, lãnh đạo Trường đã quan tâm đến công tác đào tạo nâng cao cho giảng viên về trình độ chuyên môn và lý luận chính trị; bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ công tác định kỳ theo kế hoạch của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Bộ Nội vụ. Được sự cho phép của Thường trực Tỉnh ủy, Trường đã tăng cường đề nghị cử cán bộ đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn. Đến nay, Trường đã có 03 đồng chí có trình độ tiến sĩ; 03 đồng chí đang làm nghiên cứu sinh; 33 đồng chí có trình độ thạc sĩ; 07 đồng chí có trình độ đại học; 100% cán bộ quản lý và giảng viên có trình độ Trung cấp LLCT trở lên đáp ứng yêu cầu của Trường chính trị chuẩn mức 1.

      Từ sự quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, chất lượng đội ngũ được nâng lên về trình độ, năng lực và kỹ năng công tác. Phương pháp giảng dạy được không ngừng đổi mới theo hướng tích cực đã góp phần chuyển biến tốt đối với chất lượng và hiệu quả giảng dạy. Nội dung, thông tin của bài giảng được cũng cấp cho người học có chiều sâu. Đặc biệt, đội ngũ giảng viên vững vàng và có nhiều kinh nghiệm hơn khi xử lý những tình huống sư phạm trong công tác giảng dạy, tuyên truyền. Có thể nói, việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến đội ngũ cán bộ.

      Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được trên đây, việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên của Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ gặp một số khó khăn nhất định:

      Thứ nhất, tỉnh chưa có chủ trương và cơ chế để cán bộ, giảng viên của Trường đi thực tế dài ngày dưới cơ sở. Do vậy, hầu hết cán bộ, giảng viên của Trường hiện nay chưa trải qua thực tiễn công tác ở các ngành; kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn còn hạn chế…

      Thứ hai, Cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại nhất là cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với những thành tựu rất mới như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ số, dữ liệu lớn… đang đặt ra nhiều vấn đề mới mẻ, những thách thức rất lớn đòi hỏi giảng viên của Trường phải không ngừng nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng và làm chủ những thành tựu công nghệ mới, mới có thể đáp ứng được yêu cầu của công tác đào tạo, bồi dưỡng trong kỷ nguyên mới.

  1. Một vài kinh nghiệm trong công tác đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên của Trường

     Một là, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện đội ngũ giảng viên. Theo đó, bên cạnh việc cử đi đào tạo nâng cao trình độ về chuyên môn, lý luận chính trị, đội ngũ giảng viên cần được rèn luyện thường xuyên thông qua các hoạt động thực hành giảng dạy, nghe giảng, dự giờ, thảo luận; nghiên cứu khoa học; được tham dự các buổi hội thảo, tọa đàm khoa học và đi nghiên cứu thực tế.

     Hai là, cần rà soát kỹ chất lượng chuyên môn của giảng viên (từ bài soạn đến giảng dạy) trước khi giao nhiệm vụ giảng dạy các loại hình lớp. Nếu không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, thì không cho phép giảng dạy trên lớp. Về phía cơ quan quản lý giảng viên, cần đặc biệt phát huy vai trò của lãnh đạo khoa chuyên môn-người chịu trách nhiệm về chất lượng chuyên môn của từng bài giảng của giảng viên, chịu trách nhiệm về hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế của giảng viên. Do đó, lãnh đạo khoa chuyên môn phải thẩm định giáo án của giảng viên một cách sâu sát; tổ chức thao giảng, thông qua giáo án kỹ càng trước khi giảng viên lên lớp; tổ chức dự giờ thường xuyên để giảng viên góp ý, học hỏi lẫn nhau và được điều chỉnh khi cần thiết; tổ chức sinh hoạt chuyên môn để nâng tầm lý luận và trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp; định hướng, gợi mở các chủ đề, lĩnh vực nghiên cứu khoa học thuộc chuyên ngành của khoa chuyên môn.

     Ba là, thường xuyên tổ chức các diễn đàn sinh hoạt chuyên môn như Hội thảo khoa học, tọa đàm khoa học, hội thi giảng viên dạy giỏi để giảng viên có thêm điều kiện và cơ hội tham gia. Năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên cũng là vấn đề cần quan tâm. Nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của giảng viên gắn liền với nhiệm vụ nghiên cứu, đúc kết thực tiễn, góp phần xây dựng lý luận của nhà trường.

     Bốn là, đa dạng hóa hình thức và kênh thông tin để đánh giá giảng viên. Ngoài việc đánh giá giảng viên thông qua dự giờ cần tăng cường lấy thông tin nhận xét từ đồng nghiệp, phản hồi chính thức từ học viên (thông qua phiếu lấy ý kiến phản hồi). Giảng viên rất cần có một sự đánh giá chính xác, công tâm; có sự góp ý chân thành; có sự biểu dương kịp thời; có những đãi ngộ xứng đáng với sự nỗ lực phấn đấu, cống hiến; sự tôn vinh thật sự của cộng đồng xã hội cho những đóng góp quan trọng nhưng thầm lặng của họ.

     Năm là, mỗi giảng viên cần chủ động đổi mới tư duy, không ngừng học tập, tự học tập để có thể làm chủ và ứng dụng có hiệu quả công nghệ mới vào trong quá trình công tác.

  1. Một số kiến nghị

Trên đây là một vài kinh nghiệm cũng là những giải pháp của Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên của Trường. Để xây dựng đội ngũ giảng viên ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ của tình hình mới, Trường trân trọng kiến nghị:

    3.1. Đối với Tỉnh:

     Hiện nay, để thu hút những cán bộ đã có kinh nghiệm công tác, có kỹ năng thuyết trình chuyển công tác về Trường Chính trị là điều vô cùng khó. Là viên chức, giảng viên chỉ được hưởng phụ cấp nghề (45%), không được hưởng phụ cấp công vụ, cũng không được hưởng phụ cấp dành cho cán bộ, công chức khối Đảng, đoàn thể. Do vậy, tiền lương giảng viên thấp hơn tiền lương của cán bộ, công chức khối Đảng, đoàn thể cùng ngạch, bậc. Trong khi đó, các yêu cầu, nhiệm vụ đối với giảng viên luôn cao, từ việc học tập chuyên môn, kỹ năng sư phạm, khả năng nghiên cứu khoa học…

     Vì vậy, để giảng viên toàn tâm, toàn ý với nghề, để thu hút được người giỏi vào đội ngũ giảng viên làm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ phụ cấp đối giảng viên Trường Chính trị. Những chính sách ưu đãi về mặt vật chất để giảng viên giỏi gắn bó, tận tụy với nghề là điều kiện cần cơ bản cho một quyết tâm lớn, phấn đấu để khẳng định uy tín và vị thế của nhà trường, vì sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của tỉnh. Quyết tâm ấy còn cần những điều kiện đủ, những điều kiện để duy trì lửa nhiệt tình, lòng say mê của giảng viên, đó là sự tôn vinh, sự quan tâm, đánh giá đúng của xã hội đối với nghề và đối với từng giảng viên.

     3.2. Đối với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các ngành:

     Tăng cường tổ chức các diễn đàn khoa học, trong đó có sự tham dự của cán bộ, giảng viên của Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ. Đây là hoạt động có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên của Trường. Đồng thời, tăng cường giao lưu về chuyên môn giữa giảng viên của Trường với các ngành, các địa phương trong tỉnh.

     Công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ kỹ năng nghiêp vụ cho đội ngũ giảng viên của Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ có ý nghĩa trước mắt cũng như lâu dài. Hy vọng rằng, việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên của Trường sẽ có những đóng góp tích cực hơn vào việc đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng của tỉnh Bắc Ninh trong giai đoạn mới./.

Tác giả: ThS Nguyễn Đắc Thu Trưởng khoa Xây dựng Đảng
Tin liên quan