Kinh nghiệm trong triển khai, hoàn thiện các tiêu chí trường chính trị chuẩn mức 1 ở Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ tỉnh Bắc Ninh
31/12/24 08:31

       Xây dựng trường chính trị chuẩn là yêu cầu cần thiết, là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để thúc đẩy nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn đối với các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hiện nay. Ngày 19/5/2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XIII) đã ban hành Quy định số 11-QĐ/TW về trường chính trị chuẩn (Quy định số 11-QĐ/TW). Quy định này đặt ra yêu cầu chuẩn hóa toàn diện các mặt công tác của trường chính trị, là cơ sở quan trọng để hệ thống các trường chính trị triển khai thực hiện theo hướng đồng bộ, hệ thống, khoa học, chuẩn mực. Bởi trước khi Quy định số 11-QĐ/TW ban hành, trong tổ chức và hoạt động của các trường chính trị bên cạnh việc góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị của các địa phương, đơn vị thì còn bộc lộ không ít những hạn chế như: việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các trường chính trị vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, chậm đổi mới; có những quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước thực hiện chưa nghiêm, thiếu thống nhất. Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng chưa tương xứng với vị trí, chức năng của trường chính trị và yêu cầu công tác cán bộ hiện nay. Hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn chưa được chú trọng đúng mức. Cơ sở vật chất của nhiều trường xuống cấp, chắp vá, lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu của công tác giảng dạy của giảng viên và việc học tập, rèn luyện của học viên. Chất lượng đội ngũ, tỷ lệ cán bộ, giảng viên có trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ thấp; tỷ lệ giảng viên chính và tương đương trong tổng đội ngũ giảng viên của các trường rất ít. Do đó, việc ban hành Quy định số 11-QĐ/TW có ý nghĩa rất quan trọng giúp các trường chính trị giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đó.

       Ngày 06/9/2021, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành Hướng dẫn số 381-HD/HVCTQG (nay là Hướng dẫn số 61-HD/HVCTQG ngày 17/5/2024) về Quy trình công nhận trường chính trị chuẩn và cụ thể hóa một số nội dung của Quy định số 11-QĐ/TW với 55 chỉ tiêu chia làm 6 nhóm tiêu chí (về thể chế, quy định; về đội ngũ cán bộ, viên chức; về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng; về hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; về xây dựng văn hóa trường đảng, thực hiện kỷ luật, kỷ cương và về cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật và tài chính). Đây là những chỉ dẫn rất quan trọng để các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi triển khai, thực hiện Quy định số 11-QĐ/TW.

       Ngay sau khi Quy định số 11-QĐ/TW và Hướng dẫn của Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ tỉnh Bắc Ninh đã bắt tay ngay vào việc xây dựng trường chính trị chuẩn mức 1 từ: tham mưu, xây dựng Đề án trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt đến lập Kế hoạch thực hiện cụ thể và rà soát, đánh giá các tiêu chí hiện có…. và Bắc Ninh là một trong 10 tỉnh được phê duyệt Đề án sớm nhất trong cả nước.

       Đến nay, sau hơn 3 năm không ngừng nỗ lực, khắc phục mọi khó khăn, thử thách, Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ đã hoàn thành toàn bộ 55/55 chỉ tiêu xây dựng trường chính trị chuẩn mức 1, trong đó có 04 chỉ tiêu vượt chuẩn quy định.

       Từ thực tiễn kinh nghiệm xây dựng trường chính trị chuẩn mức 1 ở Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ tỉnh Bắc Ninh, chúng tôi tự rút ra cho mình mấy kinh nghiệm sau:

       Một là, phải có nhận thức đúng đắn, quyết tâm chính trị phải cao, nỗ lực phải lớn và sự đoàn kết thống nhất trong tập thể cán bộ, viên chức, người lao động Trường, nhất là trong tập thể Đảng ủy, Lãnh đạo Trường, Trưởng, Phó các khoa - phòng về xây dựng trường chính trị chuẩn. Bởi bộ tiêu chí đánh giá trường chính trị chuẩn rất là rõ, yêu cầu khá cao và toàn diện nhất là về chất lượng đội ngũ giảng viên, đội ngũ cán bộ quản lý. Do đó, nếu không có nhận thức đúng, quyết tâm, nỗ lực và đoàn kết nội bộ thì việc xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí trường chính trị chuẩn là rất khó khăn.

       Thứ hai, phải có sự quan tâm Lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Thường trực Tỉnh ủy, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và sự phối hợp của các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh về xây dựng trường chính trị chuẩn. Ngay sau khi Ban Bí thư ban hành Quy định số 11-QĐ/TW thì Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo Trường tham mưu xây dựng Đề án trường chính trị chuẩn để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt. Ngày 13/10/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 243-KL/TU về Đề án “Xây dựng Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ đạt chuẩn, là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh”. Sự chỉ đạo sâu sát của Thường trực Tỉnh ủy và Kết luận số 243-KL/TU ngày 13/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là căn cứ quan trọng để Trường thực hiện, sớm hoàn thành xây dựng các tiêu chí và chuẩn bị đề nghị cấp có thẩm quyền xét công nhận trường chính trị chuẩn mức 1.

       Thứ ba, vai trò của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh mà trực tiếp là Vụ Các trường chính trị trong việc đôn đốc, chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện và hoàn thiện các tiêu chí trường chính trị chuẩn. Từ thực tiễn triển khai xây dựng các tiêu chí trường chính trị chuẩn cho thấy, nếu không có sự đôn đốc, chỉ đạo, hướng dẫn và có lúc, có thời điểm cùng bàn, cùng tháo gỡ những khó khăn cho Trường của Vụ Các trường chính trị thì việc xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí trường chính trị chuẩn của Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, việc phát huy vai trò của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, của Vụ Các trường chính trị trong xây dựng trường chính trị chuẩn là rất quan trọng.

       Thứ tư, phải lựa chọn được đội ngũ các đồng chí tham mưu, giúp việc đủ tâm huyết, quyết tâm chính trị cao, có trình độ, năng lực, có tinh thần trách nhiệm và chịu khó tìm tòi, nghiên cứu ngay từ khi bắt tay vào xây dựng Đề án, Kế hoạch, lộ trình, thu thập, sưu tầm các minh chứng và các giải pháp xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí trường chính trị chuẩn.

       Có thể nói, trường chính trị cấp tỉnh có vai trò rất quan trọng trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở, trong việc nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn ở địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, củng cố niềm tin của cán bộ và nhân dân vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, xây dựng trường chính trị đạt chuẩn là vấn đề quan trọng và cần thiết nhằm tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiện đại, đoàn kết, giàu tính đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn và chất lượng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn hiện nay./.

Tác giả: ThS, GVC. Đặng Hồng Sang - Trưởng khoa Lý luận cơ sở
Tin liên quan